Giảm gánh nặng tài chính
Những ngày qua, câu chuyện về tăng lương luôn là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất trong câu chuyện từ công sở đến công xưởng và trên mạng xã hội. Hầu hết đều vui mừng khi được tăng lương, nhất là khi mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) có mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Nhận thông tin được tăng lương, bà Trương Mỹ Phượng, công chức Văn phòng Thống kê, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, đây là sự động viên rất lớn để cán bộ, công chức làm việc. Phường Hiệp Bình Chánh với hơn 104.000 dân, áp lực công việc nặng nề. Bà Phượng khẳng định, mỗi cán bộ, công chức của phường đều nỗ lực làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, sẵn sàng làm thêm giờ, làm ngày thứ bảy để công việc đạt kết quả cao nhất. Theo bà Phượng, với mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay sẽ giúp cán bộ, công chức giải quyết phần nào chi phí sinh hoạt hiện nay.
“Quyền lợi đi kèm trách nhiệm, chúng tôi luôn hiểu điều đó và luôn tự nhủ phải làm tốt hơn nữa công việc của mình để xứng đáng với tiền lương được trả từ tiền thuế của người dân và doanh nghiệp”, bà Phượng chia sẻ.
Cùng chung niềm vui, bà Trần Thị Thu An, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12, bày tỏ không riêng bà, việc Quốc hội thông qua chính sách tiền lương mới và áp dụng ngay từ ngày 1-7 là điều mà cán bộ, công chức, viên chức cả nước mong đợi. Lương là nguồn thu nhập duy nhất nên khi mức lương tăng thêm 30% bà yên tâm hơn vì nỗi lo tài chính cho gia đình được giảm bớt. Dù vậy, bà vẫn lo lắng giá cả hàng hóa sẽ tăng theo nên bà hy vọng cơ quan chức năng có giải pháp để ổn định thị trường.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH May Tinh Lợi, Khu công nghiệp Lai Vu, tỉnh Hải Dương. Ảnh: QUANG PHÚC
Cùng nỗi lo tăng giá hàng hóa, ông Đặng Văn Long, công nhân Khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng mỗi khi tăng lương tối thiểu. “Điều này sẽ giúp chúng tôi thấy vững tâm hơn. Chứ tăng lương nhưng vật giá cũng leo thang thì áp lực lại càng thêm nặng với người lao động”, ông Long bày tỏ.
Bà Trần Thanh Nga, công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Công ty Nidec - Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức), cũng không giấu niềm vui khi biết công nhân cũng được tăng lương thêm 6% từ ngày 1-7. Theo bà, việc tăng lương cả khu vực công lẫn khu vực tư cũng như lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng thể hiện sự công bằng với người lao động ở các khu vực. Lương tối thiểu vùng tăng 6% cũng là khoản thu nhập đáng kể đối với công nhân lao động.
“Với mức lương hiện tại, tôi và chồng gói ghém cũng đủ trang trải cuộc sống cho 4 người trong gia đình. Với khoản lương tăng thêm này, tôi sẽ để dành cho những lúc ốm đau, khi các con vào đại học”, bà Nga tính.
Thêm cơ chế để cán bộ cống hiến
Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành (quận 12, TPHCM) Phạm Trung Hiếu khẳng định, tăng lương sẽ góp phần tạo động lực, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực cống hiến. Ông cho rằng để việc tăng lương thêm phần ý nghĩa, cần có giải pháp căn cơ hơn để giải tỏa áp lực cho cán bộ ở các địa phương đông dân. Như phường Hiệp Thành có hơn 106.000 người dân nhưng số lượng công chức chỉ hơn phường có quy mô 50.000 dân 2 người. Vì vậy, ông Hiếu mong muốn TPHCM nghiên cứu có thêm cơ chế để tăng số lượng công chức hành chính, nhất là những lĩnh vực trực tiếp làm việc với người dân.
Chi trả lương hưu cho người dân. Ảnh: ĐÔNG SƠN
Th.S Bùi Lam Giang, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị, Học viện Cán bộ TPHCM khẳng định, việc tăng lương kể từ ngày 1-7 sẽ mang lại sự phấn khởi, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng công vụ. Trong đó, cần xây dựng quy chế đánh giá năng lực giải quyết công việc được giao của viên chức, người lao động để tăng lương, thưởng phù hợp. Khắc phục tình trạng tăng lương theo kiểu “đến hẹn lại lên”, “tre già măng mọc” dẫn đến không công bằng đối với viên chức, người lao động trẻ, nhiệt huyết, làm được việc, không xảy ra tiêu cực, tham nhũng...
Các cơ quan, đơn vị cũng cần kiểm soát chặt chẽ thu nhập của viên chức, người lao động, hạn chế tình trạng trả thu nhập khác ngoài lương hoặc phát sinh những thu nhập bất chính khi giải quyết các nhiệm vụ. Theo Th.S Bùi Lam Giang, hiện nay hầu hết các cơ quan đơn vị chủ yếu đánh giá cán bộ công chức, viên chức gắn với tiền thưởng nhưng quan trọng là đánh giá phải gắn với tiền lương. Có như vậy cải cách tiền lương mới có chiều sâu và thực sự thành công.
Th.S Lưu Đức Quang, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM phân tích, khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương mới theo vị trí việc làm thì tăng lương cơ sở là cần thiết. Việc tăng lương trong khu vực công là yếu tố giúp nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
Ông Quang cho rằng, trong khi chờ bảng lương mới theo vị trí việc làm, các cơ quan cần bám sát Đề án vị trí việc làm và cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập mà Bộ Nội vụ hướng dẫn. Qua đó xác định vị trí việc làm một cách thực chất là căn cứ để áp dụng biên chế của cơ quan.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải phân quyền mạnh mẽ, trước tiên cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho viên chức, người lao động. Đây là nơi của phần lớn đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cán bộ hưu trí nhận lương hưu tại các điểm chi trả lương hưu của BHXH TPHCM. Ảnh: ĐÔNG SƠN
Bà LÊ THIỆN HUỲNH NHƯ, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM:
Thách thức với đơn vị tự chủ tài chính
Mức lương cơ sở mới tăng 30% từ ngày 1-7 giúp nhân viên y tế tại các đơn vị tự chủ một phần và đơn vị được ngân sách đảm bảo toàn bộ kinh phí có thu nhập tăng lên rõ rệt, tinh thần mọi người rất phấn khởi, tạo động lực để cố gắng làm việc tốt hơn.
Các đơn vị ngành Y tế TPHCM cũng đang tính toán nguồn kinh phí tăng thêm để thực hiện việc tăng lương này. Tuy nhiên, đối với các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động thì thu nhập của người lao động không tăng nhiều vì đơn vị phải tự cân đối nguồn tài chính khi nguồn thu từ khám, chữa bệnh vẫn chưa tăng do giá khám, chữa bệnh chưa được điều chỉnh theo mức lương.
Đặc biệt, đối với các đơn vị có mức độ tự chủ không cao thì đây cũng là một thách thức cho thủ trưởng của các đơn vị trong việc cân đối nguồn tài chính.
Ông HOÀNG THỌ DIÊU, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 1, TPHCM:
Tránh điệp khúc “lương tăng sau giá”
Việc tăng 30% mức lương cơ sở, 15% mức lương hưu trí và trợ cấp BHXH sẽ tạo sự phấn khởi cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ hưu trí. Khoản thu nhập tăng thêm từ việc tăng lương sẽ giúp cuộc sống của họ từng bước ổn định hơn.
Riêng với cán bộ hưu trí chúng tôi, được tăng thêm một khoản lương hưu sẽ giúp chúng tôi vừa trang trải chi phí sinh hoạt, vừa có thêm nguồn lực để tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là biện pháp tình thế, về lâu dài và hướng đến sự bền vững trong cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức thì cần thiết phải nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.
Cùng với đó có biện pháp để ổn định giá cả thị trường, tránh điệp khúc “lương tăng sau giá”. Nếu có giải pháp đồng bộ như vậy thì cán bộ, công chức, lực lượng hưu trí mới ổn định được cuộc sống và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
NHÓM PV